Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

100 Quán Ăn Ngon Hà Nội bạn nên trải nghiệm

Quan Ngon Ha Noi
Hà Nội là một điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đi du lịch miên bắc, đây là điểm đến du lịch hội tụ nhiều yếu tố từ Du lịch văn hóa, lịch sử, thưởng lãm phong cảnh, du lịch nghỉ dưỡng v.v.v Bên cạnh việc thăm quan Hà Nội bạn cũng có cơ hội thưởng thức những Quan Ngon Ha Noi, đa số các món ăn ngon này đều tập trung ở khu vực Phố Cổ Hà Nội. Bởi đây là khu vực sinh sống lâu đời đã có lịch sử hàng nghìn năm từ thời vua Lý Công Uẩn dời đô. Ngoài những Món ăn ngon Hà nội truyền thống thì những năm về đây Hà Nội cũng có thêm nhiều món ăn, quán ăn với nhiều hương vị độc đáo của mọi miền và các nước khác. Đây cũng là cơ hội và thuận lợi cho các bạn có thêm nhiều lựa chọn Ăn uống khi đi Du lịch Hà Nội.
Bài viết dưới đây sẽ chỉ dẫn bạn một số Món Ngon Hà Nội mà bạn không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. Bạn viết dựa trên sự trải nghiệm của người viết, và có sự tham khảo từ bạn bè.

Món Ngon Hà Nội bạn không thể bỏ qua

Gợi ý những món ăn trong 1 ngày du lịch Phố Cổ Hà Nội, các món ăn sáng, ăn trưa, và ăn tối bạn nên trải nghiệm. Nếu ở lâu hơn bạn có thể tham khảo thêm Danh bạ các Món ăn ngon ở phía dưới. Tự mình khám phá theo sở thích và sự khả năng đi lại nhé.

Gợi ý Ăn sáng ở Phố Cổ Hà Nội

Phở Bát Đàn: Phở Bát Đàn ngon nổi tiếng khắp Hà Nội, nói đến phở Bát Đàn người ta nghĩ ngay tới cảnh xếp hàng vào mỗi buổi sáng để có được một bát phở ngon. Quán khá đông vào các ngày thứ 7 và CN, đa phần thực khách tới đây vì Bát Phở ngon theo đúng cách Hà Nội. Nếu bạn là người thích được phục vụ chu đáo hay ngại xếp hàng thì đây sẽ không phải là quán Phở bạn đang mong đợi. Nói vậy thôi những ngày trong tuần cũng không đến nỗi quá đông.
Phở Bát Đàn mang thiệu hiệu gia truyền chính gốc. Tô phở Bát Đàn đặc trưng cho phở bò Hà Nội truyền thống, thơm phức, béo ngậy, nước dùng trong veo, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn, đầy đặn đã tạo nên sức hấp dẫn không chỉ với người Hà Nội mà còn với thực khách gần xa, trong và ngoài nước tìm đến.
Kinh nghiệm nếu bạn tới ăn là nên đi 2 người, 1 người mua Phở còn 1 người ra giữ chỗ trước. Địa chỉ quán ở 49 Bát Đàn, quán mở lúc sáng từ 6h30 – 8h30. Tới muộn là lại không được ăn đó nhé.
Bún ốc Hàng Chai: Hàng Chai là một con phố nhỏ nối Hàng Rươi và Hàng Cót, quán Bún ốc Cô Thêm ở góc đường Hàng Chai này đã nổi tiếng 25 năm nay với một loại nước dùng đặc biệt có vị chua nhẹ của dấm bỗng. Quán có những khách hàng lâu năm, từ hồi bát bún ốc chỉ có giá 2k đến hiện nay là 30k. Quán đông khách nhất khoảng 9-10h sáng, bạn có thể phải xếp hàng khá lâu để thưởng thức món bún ốc nổi tiếng này nhưng càng ngày vẫn càng có nhiều khách hàng không nề hà gì việc xếp hàng ở đây cả.
Quán bún ốc này khá nhỏ, ngồi bàn ghế thấp, cảm giác khá chật chội, các bạn nên đến sớm thì không phải xếp hàng. Nhiều người dân quanh đó thì thường mua về nhà cho thoải mái thành ra mới có chuyện nhìn quán có vẻ ít người ngồi nhưng bạn vẫn phải chờ khá lâu.

Gợi ý Ăn trưa ở Hà Nội

Bún chả Đắc Kim: có thể nói đây là quán bún chả nổi tiếng nhất Hà Nội, quán hiện nay được sửa lại khá sạch sẽ, phục vụ nhanh chóng, giá 50 – 60k/suất nhưng suất hơi nhiều. Mình thường đi 3 người thì chỉ gọi 2 suất hoặc đi 2 người thì gọi 1 suất thêm nem cua bể. Bún chả ở đây có  ba loại chả được phục vụ trong cùng một bát là chả nướng (thịt ba chỉ), chả viên (thịt băm) và chả xương sông (thịt băm cuốn lá xương sông) cùng với mắm được đun nóng, su hào, cà rốt muối giòn giòn chua ngọt, rắc 1 lớp hạt tiêu lên trên bát nước mắm chả cho dậy mùi. Khi ăn phải ăn kèm với nhiều loại rau sống như xà lách, rau mùi, kinh giới, húng, tía tô…
Bún đậu mắm tôm 55 ngõ Phất Lộc : Nằm ở cuối phố Hàng Bạc có một ngõ nhỏ mà lúc nào cũng tấp nập người qua lại, đó chính là ngõ Phất Lộc. Trong ngõ nổi tiếng nhất là món Bún đậu mắm tôm với rất nhiều hàng từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Nhưng có 2 hàng nổi tiếng nhất là nhà số 55 và nhà số 49. Đây là một món ăn đơn giản, dễ làm nhưng lại cần có sự lựa chọn về nguyên liệu đầu vào. Bún ngon phải là bún lá ở làng Phú Đô, sợi nhỏ. Mắm tôm được lấy từ Thanh Hóa, có màu hồng sậm, bong, khi cho thêm 1 chút dầu ăn trong chảo đang sôi vào, đánh lên thì nhìn thật hấp dẫn. Đậu ngon là đậu làng Mơ nổi tiếng, miếng đậu béo ngậy, được rán vàng ruộm trong chảo mỡ sôi sung sục, vừa cắt ra còn nghi ngút khói… Ngoài đậu rán, khách hàng còn có thể gọi thêm chả cốm – một loại chả đặc biệt của người Hà Nội, được làm từ thịt xay mịn trộn với cốm nên khi ăn sẽ thấy dẻo thơm mùi cốm. Hoặc còn có các món ăn kèm khác như nem rán, thịt luộc,… Quán sạch sẽ, rất đông khách nhưng phục vụ nhanh chóng và nhiệt tình. Nhưng khi tính tiền các bạn nhớ xem kỹ lại giấy thanh toán.

Gợi ý Ăn tối

Nhà hàng Chả cá Lã Vọng: món ăn đặc biệt này do gia tộc nhà họ Đoàn sáng tạo ra và đã trở thành món ăn nổi tiếng đất Hà Nội. Chả cá Lã Vọng không giống các loại chả cá khác như chả cá Hải Phòng hay chả cá Nha Trang, cá được để nguyên miếng, không giã nhuyễn, nướng bằng than củi và khi ăn được làm nóng lại trên chảo cùng với dầu ăn. Cá trong món này là cá lăng sông Hồng trong khi một vài nhà hàng khác sử dụng cá nheo, cá quả… Khi ăn món này, cần phải ăn cùng với hành, thì là, một vài hạt lạc, bún và mắm tôm… Nhà hàng chả cá Lã Vọng hiện nay vẫn nằm ở ngôi nhà số 14 phố Chả Cá, ngôi nhà cổ của gia tộc họ Đoàn, tuy nhỏ nhưng lại tạo ra không gian ấm cúng cho thực khách, giá dao động khoảng 2-300k/người.
Nhà hàng Chim quay Thịnh Vượng: quán chim quay gia truyền này nằm ở ngôi nhà cổ số 13 Tạ Hiện, có từ thời phố Tạ Hiện chưa phải là một khu vực đông đúc như hiện nay. Tuy đây là khu vực được mệnh danh là “ngã tư quốc tế” với vô vàn các quán bia, đồ nhậu, ăn ăn vặt ở vỉa hè nhưng quán này lại là quán ăn trong nhà, có chỗ ngồi rất lịch sự và vị trí thì thuận tiện cho việc sau khi ăn tối các bạn có thể đi dạo phố cổ hoặc kiếm một quán bar nào đó để ngắm nhìn đường phố. Món đặc biệt nhất mà ai vào quán cũng gọi là chim bồ câu quay, chim quay thì khắp các phố phường đều có nhưng để trở thành “thương hiệu” thì chỉ có ở phố Tạ Hiện này, hoặc ở phố Hàng Buồm. Một con chim có giá khoảng 100k được phục vụ vẫn còn nóng hổi, bốc khói nghi ngút, thịt chim chín tới cùng lớp da giòn tan được tẩm ướp kỹ càng. Ăn vào mùa đông thì lại càng cảm thấy thú vị hơn. Ngoài các món chim quay, nhà hàng còn phục vụ món bít tết khô, vị khá lạ so với các món bít tết thông thường. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nhà hàng Thịnh Vượng ở số 13 không ngon bằng quán Trường Thọ ở bên cạnh (số 11 Tạ Hiện).
Ban do am thuc ha noi

Quán Ngon Hà Nội

Với các bạn đi Du lịch Hà Nội thì khu vực Phố Cổ là điểm trung tâm và cũng là nơi các bạn thường hay ở để thuận tiện đi lại. Phân này Toidi.net sẽ gợi ý những điểm ăn uống Ngon, đặc sắc ở khu vực Phố Cổ Hà Nội. Tùy vào điểm nghỉ khách sạn của bạn mà bạn có thể tự khám phá theo các khu vực được phân chia dưới đây.
Lưu ý thêm, nếu bạn chưa có kinh nghiệm về du lịch Phố Cổ Hà Nội bạn có thể đọc qua bài viết : Kinh nghiệm Du lịch Phố Cổ Hà Nội, trong đó cũng gợi ý khá nhiều điểm ăn uống theo lịch trình gợi ý có sẵn.

1. Khu vực được bao quanh bởi các phố Hàng Cót – Hàng Lược – Chả Cá – Lãn Ông – Hàng Vải – Phùng Hưng

  • Chả cá Lã Vọng: 14 phố Chả Cá
  • Ốc, hải sản Hàng Lược: bán chiều tối, ngay đầu Hàng Cót đi xuống, hình như là số 15 Hàng Lược. Ốc ở đây thì không có nhiều sự lựa chọn lắm nhưng có nhiều món khác ngon như: mực trứng, sò huyết nướng, cháo trai với quẩy…
  • Xôi chả mực 6A Hàng Lược: đối diện hàng ốc bên trên. Ngoài món xôi chả mực còn có chả cá, chả tôm… và bún hải sản.
  • Bún mọc 57 Hàng Lược, nằm trong  ngõ cạnh chùa Vĩnh Trù, giá 25-30k/bát nhưng vì trong ngõ nên chỗ ngồi hơi chật.
  • Mỳ gà tần 12C Hàng Cót, 55k/suất, mỗi suất mỳ nước này có nửa con gà ác nên ăn rất chất lượng.
  • Bún ốc quán cô Thêm Hàng Chai: bán từ sáng đến 12h trưa.
  • Bò nầm nướng 33 Gầm Cầu: đây là một địa chỉ rất nổi tiếng nếu các bạn muốn thử các món nướng BBQ phong cách vỉa hè Hà Nội.
  • Thạch dừa 54 Hàng Cót: 30k/quả
  • Bánh đa cua trộn: 59A Phùng Hưng, 30k/bát. Các bạn có thể lựa chọn các món ăn kèm như giò, đậu, thịt bò…
  • Chè, kem xôi: 75 Hàng Giấy
  • Hạt dẻ rang, ngô nướng, khoai nướng vào mùa đông tập trung nhiều ở ngã ba Hàng Lược – Hàng Chai vào buổi chiều tối.
  • Phở tái nạm 80 Hàng Mã
  • Bánh bèo số 1 Hàng Mã: bánh bèo ở đây kiểu bánh bèo Huế nhưng đã được biến tấu đi cho đặc sắc hơn.
  • Phở gà trộn 65 Lãn Ông: bán chiều tối, 35k/bát.
  • Bún bò Huế 16B Hàng Gà
  • Nước mía đầu đường Hàng Vải và Phùng Hưng, tối mùa hè rất nhiều quán tập trung ở khu vực này.
  • Bún dọc mùng 25 Hàng Gà.

2. Khu vực xung quanh chợ hàng Da, được bao quanh bởi các phố Hàng Cân – Lương Văn Can – Hàng Gai – Hàng Bông – Phùng Hưng – Cửa Đông – Hàng Bồ

  • Chả cá Kinh Kỳ 25 Đường Thành: nhà hàng này cũng phục vụ món chả cá nhưng có không gian rộng rãi và thoải mái hơn so với nhà hàng gia truyền ở 14 Chả Cá. Buổi trưa quán khá đông và nếu các bạn đi nhiều người thì nên gọi điện đặt bàn trước. SĐT:  (84-4) 39 232 873. Ở đây còn có nhiều món khác từ cá như: lòng cá, cá chiên, dạ dày cá… để các bạn có thể thoải mái lựa chọn.
  • Phở xếp hàng 49 Bát Đàn: đây là quán phở gia truyền, có từ những năm 60 của thế kỷ trước, quán nhỏ nhưng đông khách nên khách tới đây phải theo phong cách thời thời bao cấp, khách  ăn phải xếp hàng, tự bưng phở và tự tìm chỗ ngồi, giá hơi đắt 40-50k/bát.
  • Phở Bưng Vỉa Hè, là một trong những quán ngon bán buổi chiều ở ngã 4 Hàng Bông & Hàng Trống, bán buổi chiều đến 8h tối. Ăn ngon vào mùa Đông
  • Bún chả Đắc Kim số 1 Hàng Mành, 74 Hàng Quạt.
  • Bún bò Nam Bộ đầu Hàng Điếu với Đường Thành, giá 45k/bát.
  • Chè bốn mùa số 4 Hàng Cân: quán chè khá ngon, nhiều loại nhưng chỗ để xe hơi bất tiện, mùa đông có cả bánh trôi tàu rất ngon nhưng cá nhân mình thấy giá cao so với các quán chè khác.
  • Mỳ gà tần: ngã tư Lương Văn Can – Hàng Bồ, ngồi vỉa hè, 45k/bát.
  • Mỳ khô 16 Hàng Bồ
  • Bánh xèo Hàng Bồ: bán từ 3h chiều đến 7h tối.
  • Há cảo chiên 55 Hàng Bồ: bán chiều tối.
  • Bún riêu 25A Bát Đàn.
  • Mỳ vằn thắn 22 Hàng Phèn, 19 Hàng Điếu
  • Bún dọc mùng 18 Bát Đàn
  • Cháo trai 65 Đường Thành
  • Bún đậu mắm tôm: 1B Ngõ Trạm
  • Quẩy nóng 71 Hàng Bông
  • Nem chua rán, khoai tây chiên, phô mai que…: ngõ Tạm Thương, Hàng Bông
  • Cháo cá, dạ dày cá xào dưa, chả cá: cuối đường Hàng Bông, đoạn gặp phố Phùng Hưng.
  • Cháo Sườn ở Ngõ Huyện, bán chiều tối
  • Xôi rán số 2 Hàng Điếu: bán cả ngày, ăn kèm có dưa góp, ruốc, lạp sườn, thịt… 45k/suất.
  • Xôi chè: ngã tư Hàng Bồ – Hàng Thiếc.
  • Cafe Reng Reng 14 Hàng Phèn: cafe pha máy phong cách vỉa hè với giá rất dễ chịu, 28k/ly cappuchino hoặc latte.
  • Sữa chua cacao xắt miếng: 78 Hàng Nón
  • Hoa quả dầm: số 5 Hàng Chỉ, phố Tô Tịch
  • Cafe 34 Lương Văn Can, 37 Lương Văn Can: 2 hàng cafe này có từ lâu đời ở ngã ba Lương Văn Can với Hàng Quạt.
  • Chè khoai số 1 Ngõ Trạm
  • Nước ép cóc 190 Hàng Bông
  • Sữa chua thập cẩm: 23 Hàng Đường

Xem tiếp danh sách Quán ăn ngon khu vực 3, 4, 5 tại bài viết: Món Ngon Hà Nội

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Kinh nghiệm Du lịch Kon Tum

Kon Tum là tỉnh xa nhất về phía bắc của khu vực Tây Nguyên, là tỉnh có cửa khẩu với Lào và Campuchia, còn được gọi là ngã ba Đông Dương. Trong tiếng Ba Na, Kon Tum có nghĩa là làng ở vùng hồ, xưa là một vùng đất hoang vắng, đất rộng người thưa, những buôn làng của người Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, B’Râu, R’Mâm… rải rác ở các vùng cư trú khác nhau mà không tập trung vào cùng một khu vực. Phần lớn diện tích tự nhiên của Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn nên địa hình nghiêng dần từ Đông sang Tây và thấp dần từ Bắc xuống Nam. Vùng này cũng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn như sông Cái (chảy sang Quảng Nam), sông Sê San (chảy sang Campuchia), sông Ba (chảy sang Phú Yên).
Như vậy có thể nói du lịch Kon Tum gắn liền với thiên nhiên hoang dã do đặc thù về mặt tự nhiên và mang đậm dấn ấn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của các dân tộc bản xứ.

Trung tâm Kon Tum hiện nay là thành phố Kon Tum, nằm ở phía Nam tỉnh, bên bờ sông Đak Bla, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600km, cách Quy Nhơn 215km. Ngoài thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum còn có các huyện: Đak Glei, Đak Hà, Đak Tô, Kon Plong, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông.

Nên đi Kon Tum vào thời gian nào

Khí hậu khu vực này cũng tương tự các tỉnh Tây Nguyên khác nên tháng 12 cũng là thời điểm đẹp để các bạn tới Kon Tum. Đây vừa là mùa khô nhưng cũng không nắng nóng như tháng 3,4. Ngoài ra, đây là thời điểm dã quỳ nở rực rỡ, lúa chín vàng trên khắp các cung đường và là mùa lễ hội của nhiều dân tộc khu vực này.

Đi đến Kon Tum như thế nào

Đường Hàng Không

Kon Tum không có sân bay nên nếu các bạn muốn tới Kon Tum bằng máy bay thì các bạn sẽ phải bay tới sân bay Pleiku, cách Kon Tum 50km.
Sân bay Pleiku có các tuyến bay tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh của Vietnamairlines, nhưng giá các chuyến bay này cao hơn so với những chuyến bay đến Buôn Ma Thuột hay Đà Lạt. Giá 1 chiều Hà Nội – Pleiku trung bình khoảng 1tr8-2tr5. Bay từ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hiện nay thì rẻ hơn một chút.
Chuyến bay Hà Nội/ TP Hồ Chí Minh – Pleiku ngày nào cũng có 01 chuyến nhưng Đà Nẵng – Pleiku thì không có chuyến vào Thứ 2 và Thứ 4. Hiện chuyến Đà Nẵng – Pleiku đang có khuyến mại khoảng 800k/chiều.
Từ sân bay Pleiku các bạn có thể bắt xe bus giá khoảng 30-35k/lượt để đi Kon Tum. Hoặc đơn giản hơn là đi taxi.

Đi Kon Tum bằng đường Bộ

Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

    • Xe Đăng Khoa: Hà Nội – Kon Tum, chạy từ Giáp Bát lúc 8h45, chạy từ Kon Tum lúc 7h30, SĐT: 060 3864606 – 0905 010269.
    • Xe Đăng Khoa: Hải Dương – Kon Tum, chạy từ Hải Dương lúc 7h, chạy từ Kon Tum lúc 15h30, SĐT: 060 3864606 – 0905 010269.
    • Xe Việt Tân: Hà Nội – Kon Tum, gọi SĐT 060 3913999 – 0169 6823334(5) để biết giờ xe chạy.

Từ  Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

  • Xe Đăng Khoa: Ngọc Hồi – Kon Tum – TP HCM, chạy từ Ngọc Hồi lúc 16h30, từ Kon Tum 18h30-19h, từ TP HCM lúc 18h-18h30-19h. SĐT: 060 3864606 – 08 22478379 – 0985222679.
  • Xe Việt Tân: TP HCM – Kon Tum. Gọi SĐT: 060 3913999 – 0986 823355(66) để biết giờ xe chạy.
  • Xe Tây Nguyên: TP HCM – Kon Tum. Gọi SĐT: 060 3918888 – 0913 468502 – 0982878889 để biết giờ xe chạy.
  • Xe Tư Phầu: TP HCM – Kon Tum, xe chạy 17h45 mỗi ngày. SĐT: 060 3863999 – 0903 531458.
  • Xe Việt Tân Phát: TPHCM – Kon Tum, xe chạy lúc 18h20 từ TP HCM. SĐT: 08 35118888 – 060 3918555.
  • Xe Việt Tân Phát: TP HCM – Ngọc Hồi, từ TP HCM lúc 16h30-19h30, từ Ngọc Hồi lúc 16h-17h30. SDDT: 08 35118888 – 060 3540888.
  • Xe Đồng Tiến: TP HCM – Kon Tum, xe chạy lúc 17h20. SĐT: 060 3862108 – 0982 512323.
  • Xe Long Vân: TP HCM – Kon Tum – Ngọc Hồi, xe chạy lúc 18h20 từ Kon Tum, lúc 18h30 từ TP HCM. SĐT: 060 2211823 – 0905 514289

Từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung

Xe Mai Linh: Đà Nẵng – Kon Tum, giá vé 160k, 1 ngày có 4 chuyến. Các bạn có thể gọi SĐT: 0511 3792929 để đặt chỗ. Xe xuất phát từ bến xe Trung tâm, số 201 đường Tôn Đức Thắng.

Di chuyển trong thành phố Kon Tum

Để di chuyển trong Kon Tum hoặc đi chơi ra các khu vực xung quanh các bạn có thể thuê xe máy, ô tô hoặc taxi. Ở Kon Tum có taxi Mai Linh, 060 3838383 và taxi Vinh Sơn, 060 38585855. Thường mình thấy Mai Linh khu vực miền Trung phục vụ khách rất tốt, xe mới và đẹp nhưng mới đây trên báo có đưa tin tài xế taxi Mai Linh lấy thẻ ATM của khách, nên tốt nhất các bạn đi lại cứ nên cẩn thận đồ đạc, hành lý của mình.
Nếu các bạn đi nhóm đông người có thể thuê xe ô tô đi 1-2 ngày tùy theo lịch trình của mình ra các huyện khác của tỉnh Kon Tum. Các bạn có thể liên hệ với khách sạn mình ở để hỏi giá thuê xe sao cho hợp lý nhất.
Ở Kon Tum không thịnh hành dịch vụ cho thuê xe máy lắm nên nếu muốn thuê xe máy đi chơi thì các bạn nên hỏi thuê ở quầy lễ tân hoặc bảo vệ của khách sạn. Một số khách sạn không có dịch vụ này nhưng bảo vệ sẽ liên hệ hỏi thuê của xe ôm gần đó giúp các bạn. Giá rơi vào 120-150k/ ngày, xăng tự đổ.

Ăn uống ở Kon Tum

Ăn uống ở Kon Tum giá thành cũng rất rẻ. Buổi sáng, mình có mua ổ bánh mỳ heo quay 10k và vào quán cà phê khá to đẹp ngồi ăn sáng mà giá chỉ có 5-10k/ly. Một lần mình đi Tây Nguyên vào tháng 4, đây chính là những ngày đầu tiên của mùa mưa ở Tây Nguyên nên sáng nào cũng mưa rất lớn. Mình thường trả phòng khách sạn, mua 1 ổ bánh mỳ và vào quán cà phê ngồi đợi khoảng 9 rưỡi hết mưa thì bắt đầu hành trình của ngày hôm đó. Thỉnh thoảng cũng mưa quá trưa, nên tốt nhất các bạn nên tránh đi chơi vào mùa mưa.

Gỏi Lá Kon Tum

Món ăn nổi tiếng nhất ở Kon Tum có lẽ là gỏi lá với 40 loại lá khác nhau, một số loại rất quen thuộc nhưng một số loại phải kiếm từ trong rừng sâu. Lá gói cùng thịt ba chỉ, tôm rang, bì trộn bột gạo nếp rang (mình thường gọi là nem thính)… chấm một loại nước chấm đặc biệt được làm từ bỗng rượu và trứng. Các bạn trên các diễn đàn du lịch chia sẻ kinh nghiệm ăn gỏi lá ngon hất ở Quán Út Cưng, nằm trên đường Trần Cao Vân, các bạn đi hết đường nhà thờ Gỗ thì rẽ trái là đường Trần Cao Vân (060. 3912432). Giờ quán còn có cả Facebook thì phải. Ngoài gỏi lá, các bạn có thể thưởng thức thêm món Bê non nướng mọi cũng rất ngon.
Nếu các bạn ở homestay trong các Làng Văn hóa thì nên thưởng thức các món nướng ống tre hay cơm nướng lồ ô (cơm lam), uống rượu cần. Tùy khu vực người dân tộc nào sinh sống sẽ có những món đặc trưng của dân tộc đó nữa nhưng ở những khu vực này khi đến tham quan các bạn nên đặt đồ ăn luôn để họ chuẩn bị. Ví dụ như dân tộc R’Mâm có món Cá gỏi kiến vàng; dân tộc B’Râu có món lá mì muối chua, gà rừng trộn lá mí, lá mì nấu cá khô…; người Giẻ Triêng có món thịt chuột đồng nước hoặc gác bếp, cá chua… Người dân tộc vùng này còn có món rau dớn hay cà đắng ăn thay rau cũng rất đặc sắc, các bạn nên thử. Theo kinh nghiệm của mình thì cứ tùy vào việc các bạn tới khu vực nào mà chọn món đặc sản của khu vực đó mà thưởng thức. Thưởng thức tại nơi làm ra nó, nguồn gốc của nó chắc hẳn món ăn sẽ mang một hương vị đặc biệt, sẽ không giống như chúng ta ngồi ở Hà Nội hay TP HCM ăn nó đâu.

Trong khu vực thành phố có một vài quán ăn ngon mà các bạn nên thử như:

  • Quán mỳ A Tỷ, mỳ hoành thánh, phở bò viên, bò tái ngon, hợp khẩu vị dân Bắc như mình, 20-25k/ bát,  67 Hoàng Văn Thụ.
  • Thịt trâu: gần quảng trường Thành phố.
  • Thịt dê: 58 Phan Chu Trinh.
  • Quán ốc: bùng binh Phan Đình Phùng.
  • Bún cua: đường Bạch Đằng, nhìn ra bờ sông Đak Bla, gần đoạn rẽ trái sang phía Nhà Thờ Gỗ, quán bán buổi chiều tối. Quán này khách rất đông nhưng mình thấy vị hơi ngọt.
Muốn ăn đêm các bạn ra khu vực đường Trần Quang Khải, có vô số món để các bạn lựa chọn: cháo chim câu, bánh xèo, phở khô…
Cà phê thì cá nhân mình thấy cứ nêu tên quán cho các bạn yên tâm chứ quán nào mình thấy cũng ngon. Cà phê ở khu vực này không phải kiểu chỉ pha bằng 1 loại bột cà phê mà các chủ quán thường trộn nhiều loại bột với nhau để tạo ra hương vị khác biệt. Mình từng được tặng cả kg cà phê kiểu đó mang về nhà tự pha chế uống và không hề có ai chê cà phê mình pha cả.
Có một vài quán cà phê có không gian đẹp như: Indochine Coffee, nằm cạnh Khách sạn Indochine, I love Kon Tum trên đường Nguyễn Trãi, cà phê Eva – Tượng nhà Mồ ở số 1 Phan Chu Trinh…

Du lịch Kon Tum

Các điểm thăm quan trong Thành phố Kon Tum

Khu vực Thành phố Kon Tum có khá nhiều điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, và nếu có điều kiện du lich Kon Tum bạn không thể bỏ qua các điểm du lịch sau:
Nhà Thờ Gỗ Kon Tum
Nhà thờ Gỗ Kom Tum chính là Nhà thờ Chính tòa Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, được xây dựng từ năm 1913, nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình này là sản phẩm kết hợp giữa lối kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn của người Ba Na với vật liệu hết sức gần gũi là gỗ khiến đây trở thành một công trình tôn giáo nhưng mang đậm chất Tây Nguyên.
Kiến trúc bên trong nhà thờ khá ấn tượng, mang dáng vẻ uy nghiêm vốn có của các nhà thờ phong cách Châu Âu, lúc mình đến là buổi trưa nhưng vẫn có lác đác người quỳ cầu nguyện nên cũng không chụp ảnh phía trong nhà thờ. Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, may, thêu. Nếu các bạn mang theo ít bánh kẹo để chia cho các em nhỏ ở đây thì chúng sẽ thấy rất tuyệt.
Cách Nhà Thờ Gỗ một con đường, bên đường Trần Hưng Đạo là Tòa Giám Mục Kon Tum, hay còn được gọi là Chủng viện Thừa Sai Kon Tum, được xây dựng vào năm 1935. Đây cũng là một công trình kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Phương Tây hiện đại và lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Trong khuôn viên có bức tượng Đức Mẹ Mang Gùi, hình ảnh Đức Mẹ trong dáng dấp Tây Nguyên rất đặc trưng. Khi vào thăm Tòa Giám Mục, các bạn không nên bỏ qua Bảo tàng văn hóa các dân tộc anh em ở Bắc Tây Nguyên. Bảo tàng mở cửa từ 7h30-11h, 14h-17h, hoàn toàn miễn phí.

Nhà Rông Kon K’lor

Đi đến cuối đường Trần Hưng Đạo, tới sát khu vực bờ sông Đăkbla, các bạn sẽ nhìn thấy khuôn viên Nhà Rông Kon K’lor. Đây là nhà Rông văn hóa truyền thống lớn nhất Tây Nguyên thuộc làng Kon K’lor, phường Thắng Lợi, Kon Tum. Đây là ngôi làng ngay trung tâm thành phố nhưng trong làng còn rất nhiều những ngôi nhà rông Ba Na với những cột gỗ có hoa văn, họa tiết rất công phu. Làng còn có cả đội cồng chiêng và múa xoang để phục vụ các dịp lễ hội diễn ra ở Nhà rông KonK’lor và sẵn sàng phục vụ các đoàn khách lớn.
Hôm mình tới đây thì nhà rông không đón tiếp đoàn khách nào lớn nên giống như mình có cả căn nhà vậy, tha hồ đi ra đi vào, leo lên leo xuống, chụp ảnh ở mọi góc mình muốn, tạo dáng đủ kiểu. Nhưng nhà rông này là nhà rông mới được xây dựng lại trên nền đất cũ sau khi ngôi nhà bị cháy vào năm 2010. Ngay cạnh Nhà rông Kon K’lor là Cầu treo Kon K’lor, cây cầu dây văng lớn nhất ở khu vực này nối liền hai bờ sông Đak Blar.
Du khách đến Kon Tum thường đến tham quan cây cầu này vào buổi chiều tà để ngắm hoàng hôn trên dòng sông Đak Blar, ngắm mặt trời chiếu ánh sáng đỏ rực xuống dòng sông.
Đi qua cầu, đi thêm 6km nữa, các bạn sẽ đến Làng Văn hóa Kon K’Tu. Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể ở lại làng 1 đêm (theo hình thức homestay) để có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa của người dân nơi đây. Vừa thưởng thức rượu cần bên đống lửa ở nhà rông vừa lắng nghe tiếng cồng chiêng cùng với những người dân Ba Na thân thiện. Ngày hôm sau, các bạn có thể xuôi theo dòng Đak Blar bằng thuyền độc mộc ngắm cảnh ven sông, hoặc thăm Thác H’Lay cách làng khoảng 2km.
Hoặc ngay trung tâm thành phố, các bạn có thể dạo chơi khu vực Công viên Kon Tum nằm trên đường Trần Phú và vào vãn cảnh Chùa Bác Ái. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ năm 1932, nguyên là Âm Linh Miếu, nơi thờ tự hàng vạn người dân ở các tỉnh Miền Trung bị hạn hán kéo dài phải kéo nhau lên Kon Tum kiếm sống và bị chết dọc đường vào năm Tân Mùi – 1931. Chính vì lý do này mà năm 1933, vua Bảo Đại đã ban tấm biển Sắc Tứ Bác Ái Tự nên mới có tên là Chùa Bác Ái như hiện nay.
Xem chi tiết bài viết : Kinh nghiem du lịch Kon Tum (chi tiết thực tế)